An toàn phòng cháy chữa cháy là một trong những ưu tiên hàng đầu khi xây dựng và vận hành bất kỳ công trình nào. Để đạt được điều này, việc tuân thủ chặt chẽ quy định về nghiệm thu phòng cháy chữa cháy là bước không thể bỏ qua. Bài viết dưới đây của VNPT iAlert sẽ giới thiệu tổng quan những thông tin về quy trình nghiệm thu PCCC, giúp đảm bảo công trình tuân thủ tiêu chuẩn an toàn cháy nổ.
Khi nào cần nghiệm thu phòng cháy chữa cháy?
Khoản 1, Điều 15. Nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trong Nghị định 136/2020/NĐ-CP đề cập nội quy quy định về phòng cháy chữa cháy khi nghiệm thu:
1. Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Chủ đầu tư, chủ phương tiện phải đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng.
Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu bàn giao; riêng đối với các bộ phận của công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi thi công bị che khuất thì phải được nghiệm thu trước khi tiến hành các công việc tiếp theo. Chủ đầu tư quyết định việc nghiệm thu từng phần công trình trong trường hợp khu vực được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành độc lập, bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy và phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước khi đưa phần công trình đó vào sử dụng.
Hồ sơ nghiệm thu phòng cháy chữa cháy
Khoản 2. Hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy thuộc Điều 15. Nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy thuộc Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
a) Bản sao Giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy kèm theo hồ sơ đã được đóng dấu thẩm duyệt của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
b) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
c) Các biên bản thử nghiệm, nghiệm thu từng phần và nghiệm thu tổng thể hệ thống phòng cháy và chữa cháy;
d) Các bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt;
đ) Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới;
e) Văn bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục, hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy;
g) Bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn giám sát (nếu có), đơn vị thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
Các văn bản, tài liệu có trong hồ sơ phải có xác nhận của chủ đầu tư, chủ phương tiện, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công. Hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt.
Nội dung kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy
Khoản 4, Điều 15. Nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này kèm theo báo cáo của chủ đầu tư, chủ phương tiện về tình hình kết quả thi công, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm và nghiệm thu các hệ thống, thiết bị và giải pháp phòng cháy và chữa cháy và văn bản đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC11) cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Thời gian nộp hồ sơ tối thiểu trước 10 ngày làm việc đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A hoặc tối thiểu trước 07 ngày làm việc đối với các công trình còn lại và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy so với ngày chủ đầu tư, chủ phương tiện đề nghị tổ chức kiểm tra nghiệm thu.
Quy trình nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy
Quy định về nghiệm thu phòng cháy chữa cháy căn cứ theo Khoản 4, 5, 6, 7,8 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Nộp hồ sơ
Để bắt đầu quá trình quy định về nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chủ đầu tư cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 15.
Bên cạnh đó, cần có báo cáo chi tiết về quá trình thi công, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm và nghiệm thu các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy. Cuối cùng, một văn bản đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu (Mẫu số PC11) cũng cần được chuẩn bị.
Cách nộp hồ sơ:
- Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền.
- Trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công (trừ tài liệu bí mật nhà nước).
- Qua đường bưu chính công ích hoặc thuê dịch vụ gửi hồ sơ.
- Ủy quyền theo quy định pháp luật.
Thời hạn nộp hồ sơ:
- Ít nhất 10 ngày làm việc trước ngày kiểm tra đối với dự án quan trọng quốc gia, nhóm A.
- Ít nhất 7 ngày làm việc trước ngày kiểm tra đối với các công trình khác và phương tiện giao thông cơ giới đặc biệt.
Lưu ý: Người nộp hồ sơ cần mang theo giấy giới thiệu/ủy quyền và giấy tờ tùy thân hợp lệ.
Tiếp nhận hồ sơ
Sau khi nhận được hồ sơ, cán bộ tiếp nhận sẽ tiến hành kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các tài liệu. Việc xử lý hồ sơ sẽ được thực hiện theo các quy định sau:
- Nếu hồ sơ đáp ứng đủ các thành phần và điều kiện quy định, cán bộ sẽ chính thức tiếp nhận và ghi lại thông tin vào 02 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03).
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, cán bộ sẽ hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và ghi nhận thông tin vào 02 bản Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).
Việc kiểm tra và xử lý hồ sơ sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc và theo đúng các quy trình, quy định đã được thiết lập để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến phòng cháy và chữa cháy.
Thông báo kết quả xử lý hồ sơ
Sau khi kiểm tra và xử lý hồ sơ, cán bộ tiếp nhận sẽ thông báo về kết quả xử lý theo các cách thức sau:
- Đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa, cán bộ sẽ giao trực tiếp cho người nộp hồ sơ 01 bản Phiếu tiếp nhận hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung (nếu cần), và lưu 01 bản tại cơ quan.
- Với hồ sơ nộp qua Cổng Dịch vụ công, thông báo sẽ được gửi đến cơ quan/tổ chức/cá nhân qua thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc yêu cầu bổ sung.
- Đối với hồ sơ nộp qua đường bưu chính, thuê dịch vụ hoặc ủy quyền, cán bộ sẽ gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung về địa chỉ đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản tại cơ quan.
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với dự án quan trọng quốc gia, nhóm A hoặc 7 ngày làm việc với các dự án khác, cơ quan Cảnh sát PCCC sẽ tổ chức kiểm tra nghiệm thu và lập biên bản (Mẫu PC10).
Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày thông qua biên bản, cơ quan PCCC sẽ ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu (Mẫu PC12) và trả lại hồ sơ cho chủ đầu tư/chủ phương tiện.
Kết luận
Qua bài viết của VNPT iAlert có thể thấy rằng việc nắm vững các quy định về nghiệm thu phòng cháy chữa cháy là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Điều này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho công trình mà còn thể hiện trách nhiệm và ý thức của chủ đầu tư đối với cộng đồng.